Khi sử dụng 3D, vấn đề nằm ở một tổng thể phần cứng đồng bộ. Khi xử lý trên màn hình máy tính, card màn hình và ram là vấn đề lớn nhất. Khi kết xuất ảnh và film, vi xử lý, bus của mainboard và ram lại rất quan trọng, nếu các yếu tố không đồng bộ sẽ gây chậm, giảm đáng kể cường độ công việc.
Thực chất, để mô phỏng các yếu tố thật sự chính xác vào chương trình, người sử dụng phải có hiểu biết rất tốt về các tính chất vật thể, cường độ ánh sáng thật. Tiếp đến, người dùng sẽ sử dụng kiến thức này vào các bộ Render (thể hiện) để điều chỉnh các thông số sao cho phù hợp nhất. Các bộ render lớn hiện nay phần lớn nằm ở dạng Plugin đi kèm gồm Brazil, Vray, Final Render, Renderman, Metal Ray…
Các điểm ảnh nếu khi kết xuất không có chống rung (anti-aliasing) sẽ gây tình trạng răng cưa. Các chương trình 3D lớn và phổ biến hiện nay đều đã xử lý tốt việc này. Tuy nhiên, thời gian kết xuất sẽ tăng thêm rất nhiều. Độ trơn (Smooth) của vật thể không phải là vấn đề để bàn chung vì nó dính đến từng phần mềm cụ thể, mỗi phần mềm có cách xử lý độ trơn riêng.
Phần mềm 3D thông dụng
Một trong những phần mềm 3D thông dụng nhất thế giới là 3D Studio Max do hãng Discreet sản xuất, thường được sử dụng cho công nghiệp trò chơi điện tử, hoạt hình, film ảnh kỹ xảo. 3ds max thích hợp cho người dùng cá nhân. Thế mạnh của 3ds max là các công cụ dựng hình polygon, có thể sản xuất được những hình ảnh, hoạt hình với số lượng polygon thấp nhưng đạt hiệu quả hình ảnh cao. Nếu bạn bắt đầu học 3D, có 2 lựa chọn tốt nhất là Max hoặc Maya. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Max được sử dụng phổ biến hơn Maya.
Với Maya (do hãng Alias|Wavefron sản xuất), phần mềm này thường được sử dụng trong nền công nghiệp phim ảnh, gần đây cũng bắt đầu thâm nhập vào thế giới trò chơi điện tử. Maya là lựa chọn cho các studio lớn vì hướng mạnh vào các hiệu ứng dynamics và particles cũng như các công cụ dựng hình NURBS với độ mượt rất cao.
Bryce (của Corel) - chương trình mô tả thiên nhiên, tuy không mạnh lắm nhưng khá phổ biến ở Việt Nam. Bất tiện lớn nhất của nó là Render lâu và không (khó) kết xuất với chương trình 3D khác. Poser (do Curiouslabs sản xuất) là chương trình với bộ thư viện có sẵn, việc bạn làm một đoạn phim là hoàn toàn có thể, kể cả khi bạn mới làm quen với 3D.
World Builder (do Digi-Element sản xuất) là chương trình mô tả thiên nhiên mạnh nhất hiện nay, với các đặc tính: Tương tác (cho phép mở file) với Max, Maya, Poser, Lightwave... cực mạnh với hệ thống hạt cho phép giả lập mưa gió. Đặc biệt có phần tương tác đối tượng nước cho phép nước đúng là nước thật. Trong khi đó, MilkShape lại là công cụ tốt nhất để dựng Model *.MDL, có thể thâm nhập và chỉnh sửa tất cả các model của game 3D BSP nào. Ngoài ra, còn có nhiều chương trình nữa nhưng không phổ biến tại Việt Nam như Rhinoceros, Lightwave, Softimage, Cinema 4D …
Cộng đồng 3D Việt Nam
Đây là tổ chức của những người yêu thích 3D tại Việt Nam. Được thành lập vào ngày 1/11/2003, giới này cùng tạo nên website www.3dvn.com. Hiện nay, 3DVN là trang Web về 3D lớn nhất tại Việt Nam với hơn 5000 thành viên, với lượng lớn tài nguyên và hơn 100 bài hướng dẫn sử dụng các chương trình 3D. Vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, số người truy cập vào 3DVN cũng từ 150 người trở lên.
3DVN không chỉ thu hút được sự chú ý của những người học và làm 3D tại các thành phố lớn mà còn thu hút được cả những người quan tâm đến 3D hiện đang học tập và làm việc tại nước ngoài. Sau một năm hoạt động, 3D Việt Nam đã phát triển không ngừng và ngày càng lớn mạnh. Chất lượng các thành viên cùng chất lượng các bài viết ngày càng tăng lên.
Đồng thời, tại Gallery của 3DVN cũng có càng nhiều tác phẩm có giá trị. Ngoài ra, 3DVN còn thường xuyên tổ chức các hoạt động cộng đồng như các cuộc thi, hội thảo về 3D. Tại diễn đàn của website này, thông tin về 3D trở nên phổ biến với hoạt hình 3D, game, các dự án kiến trúc và cả chuyên mục ''Dành cho ai chưa biết gì về 3D''...
Với mục đích hỗ trợ những người học về 3D tại VN, cộng đồng 3D Việt Nam (3DVN) chính thức tổ chức những dự án mang tính cộng đồng nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ không gian 3 chiều trong các lĩnh vực của cuộc sống.
Được biết, trong năm 2005, cộng đồng này sẽ triển khai một số dự án trọng tâm: Ứng dụng 3D trong kiến trúc để tái hiện và bảo tồn các di sản văn hoá Việt Nam; Phim hoạt hình ngắn của 3DVN; Xây dựng bộ từ điển 3D của Việt Nam và Engine 3D và 1 game 3D online. Qua các dự án này của 3DVN, ngoài kiến thức thu được về kĩ thuật, công nghệ, những người trực tiếp tham gia sẽ có được cái nhìn tổng quan về quy trình làm việc chuyên nghiệp, kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực tham gia, và quan trọng hơn đó là kinh nghiệm làm việc theo nhóm, một kĩ năng rất cần thiết cho công việc của mỗi người. Sản phẩm từ những dự án sẽ là phần đóng góp của các thành viên cộng đồng 3DVN cho xã hội và là 1 cách tự thể hiện mình của mỗi người cũng như của cả cộng đồng 3DVN.
Sau hơn một năm hoạt động, cuối cùng 3DVN đã có được một nơi để gặp gỡ, một trụ sở trong lúc ban đầu này... Với hình thức kết hợp, quán cafe 3D đầu tiên tại Hà Nội ra đời, với mục đích là nơi gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ của những người cùng yêu thích 3D. Quán có thiết kế đẹp mắt và rất ấn tượng với số tranh trang trí gồm hơn 40 bức bao gồm những tác phẩm từ Gallery của 3DVN cũng như những tác phẩm "kinh điển" của 3D thế giới. Ngoài ra, quán còn có một cái tên độc đáo, Align (tại số 18C Chả Cá/26 Lãn Ông), tên một lệnh khá phổ thông trong đồ hoạ cũng như trong 3D.
Mới đây, cộng đồng 3D Việt Nam đã tổ chức hội thảo 3D và các ứng dụng trong kiến trúc tại trường Đại học Kiến trúc, với sự hợp tác của 3DVN, Câu lạc bộ KT trẻ ĐHKT và Cafe 3D Align. Hội thảo lần này tập trung vào vấn đề ứng dụng của 3D trong kiến trúc nhằm giải đáp các thắc mắc của người học 3D về các vấn đề liên quan đến kiến trúc. Trong kiến trúc, 3D được ứng dụng để xây dựng các mô hình phối cảnh nội, ngoại thất. Nhờ đó, KTS cũng như khách hàng có thể hiểu thêm về công trình. Hơn nữa, với công nghệ 3D trong kiến trúc, các KTS còn có thể tạo ra các đoạn film diễn hoạ kiến trúc...
Home » tin tuc cong nghe » Khám phá thế giới 3D
Khám phá thế giới 3D
Posted by chiasedamme on Monday, April 19, 2010
{ 0 comments... read them below or add one }
Post a Comment